The Lord of the Rings – một thế giới tuyệt vời!

Nếu như là một fan của thể loại fantasy, tôi tin chắc rằng bất cứ ai cũng đã từng nghe qua cái tên “The Lord of the Rings“, hay dịch ra là Chúa tể những chiếc nhẫn. Một tượng đài bất hủ của thể loại fantasy nói riêng và của cả văn học lẫn điện ảnh nói chung. Để có thể nói hết về thế giới mà J.R.R Tolkien đã xây dựng nên thì có lẽ cần cả một series, vì vậy tôi sẽ chỉ nói đến những thứ trong phạm vi của LOTR, đồng thời nói tới một vài chi tiết khác không có trên phim cũng như sách, cũng như một vài chi tiết của The Hobbit. Và trong phần đầu tiên này, tôi sẽ bàn về tầm ảnh hưởng của LOTR và ý nghĩa đằng sau The One Ring cùng các nhân vật chính của phim. 

1. Sơ lược về The Lord of the Rings

Bộ sách The Lord of the Rings khi xuất bản từ năm 1954 đến 1955 đã tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong văn học. Lần đầu tiên một bộ truyện fantasy gây được tiếng vang lớn đến như vậy, bộ truyện được dịch ra hàng loạt ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Người ta say mê nó, đắm chìm vào nó, và thậm chí còn coi thế giới ấy là có thật. Trước khi có LOTR, fantasy được coi như một loại truyện cho trẻ em, nhưng kể từ LOTR, fantasy thực sự thay đổi và trở thành một dạng văn học “nghiêm túc và người lớn”. LOTR đã xây dựng cho mình một cộng đồng fan cực kỳ lớn, mà thực sự không có tên gọi cố định, vì bạn có thể phân những người hâm mộ LOTR thành nhiều kiểu với nhiều cách gọi khác nhau, nhưng tôi sẽ chia làm 2 loại: Ringer – những người đọc và yêu thích các tác phẩm của Tolkien; và Tolkienist – những người nghiên cứu các tác phẩm của ông. Vâng, nghiên cứu các tác phẩm của Tolkien được coi như một ngành khoa học, giống như bạn nghiên cứu lịch sử vậy. 

otakunewsportal.com

Tuy nhiên, khá đáng buồn khi dù có cộng đồng fan lớn như vậy, nhưng phải đến khi trilogy phim The Lord of the Rings của Peter Jackson ra mắt từ năm 2001-2003, LOTR mới thực sự phổ biến trên toàn cầu. Vâng, thực sự tôi phải cảm ơn Peter Jackson vì đã có thể tái hiện LOTR trên màn ảnh hoàn hảo đến như vậy. LOTR đã đem đến một thế giới quá rộng lớn, quá chi tiết, quá tuyệt vời, chưa hề có trong lịch sử. Bạn đếm được bao nhiêu bộ tiểu thuyết và phim fantasy có một thế giới được kỳ công xây dựng như vậy? Tolkien đã dày công xây nên một thế giới giả tưởng của riêng mình từ thuở sơ khai. Địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thuyết, các tộc người,… tất cả đều được Tolkien tạo nên, một kỳ công nữa là Tolkien đã sáng tạo ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau cho thế giới của mình, trong đó hoàn thiện nhất là ngôn ngữ của tộc Tiên (ông còn có dự định viết lại bộ truyện bằng tiếng Tiên nữa cơ). Một thế giới tuy giả tưởng, nhưng nó quá đỗi chân thật! 

Và khi trilogy phim LOTR được ra mắt, lập tức nó tạo nên một cơn sốt chưa từng thấy, doanh thu phòng vé cực kỳ cao vào thời điểm đó, và đặc biệt là cả 3 phần đều được đề cử Oscar và thắng giải! Với The Fellowship of the Ring là 4 giải, The Two Towers là 2 giải, và The Return of the King – 11/11 giải được đề cử! Liệu rằng có bộ phim fantasy nào có thể thành công như LOTR? Và cho dù trilogy prequel The Hobbit cũng đạt doanh thu cao không kém, nhưng lại chỉ dành được 1 giải Oscar. Những gì mà LOTR đã làm được là huyền thoại! Những cái tên như Người Hobbit, Tiên, Người Lùn, Xứ Shire, Minas Tirith, Mordor, Rivendell,… đã trở nên quen thuộc với nhiều người; đặc biệt phải nói đến Gandalf, nhắc đến LOTR là nhắc tới Gandalf và ngược lại! 

The Lord of the Rings

Lại nói về phim, phải thừa nhận Peter Jackson đã làm quá xuất sắc nhiệm vụ của mình. LOTR từng bị nhận xét là “Không thể làm thành phim”, nhưng với công nghệ CGI từ những năm 2000, và sự thật là hầu hết đều được dựng thật, Peter Jackson đã đem đến một thế giới quá đẹp, quá chân thực với những địa danh đã trở nên quen thuộc. Xứ Shire yên bình thơ mộng, Rivendell đẹp đẽ như chốn thần tiên, Minas Tirith hùng vĩ tráng lệ, và Mordor tăm tối đáng sợ. Liệu có ai chưa từng mơ một lần sống ở Xứ Shire như một Hobbit? Hay đến thăm chốn thần tiên Rivendell? Hoặc sợ hãi vùng đất bóng tối Mordor? 

The Lord of the Rings
Tolkien
Peter Jackson

Câu chuyện của LOTR thoạt nhìn rất đơn giản: một hội nhóm đủ các chủng tộc: Con Người, Hobbit, Tiên, Người Lùn và Pháp Sư cùng lên đường với sứ mệnh tiêu diệt Chúa Tể Bóng Tối để cứu thế giới. Nghe có vẻ giống motip trong những câu chuyện cổ tích phải không? Lần đầu tiên tôi xem LOTR là từ hồi bé, và thực sự thì chẳng hiểu gì hết. Lớn lên một chút thì hiểu như trên, và rồi sau này, khi đã bỏ công đọc hết tiểu thuyết gốc lẫn các tác phẩm khác về Trung Địa của Tolkien thì mới hiểu một phần những tầng ý nghĩa mà ông đưa vào các tác phẩm của mình. Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng phân tích biểu tượng của cả loạt phim: Chiếc nhẫn The One Ring – Nhẫn Chúa và sau đó là nói một chút về Hội Đồng Hành – những người tự nguyện bước chân vào hành trình tiêu diệt Chúa Tể Bóng Tối.

2. Ý nghĩa đằng sau Nhẫn Chúa

Chiếc Nhẫn Chúa – vật có vai trò xuyên suốt cả tác phẩm LOTR. Bạn nào xem phim rồi thì chắc cũng đã biết xuất xứ của nó, nhưng với ai chưa biết thì tôi sẽ tóm tắt lại (thực ra ai chỉ xem phim cũng khá mù mờ về nguồn gốc của chiếc nhẫn này): 

Thuở xa xưa, có một Tiên thợ rèn cực kỳ tài giỏi ở Tiên quốc Eregion, tên ông là Celebrimbor. Chúa Tể Sauron khi đó đã cải trang và tìm đến Celebrimbor, bằng tri thức của mình, hắn giúp ông nghiên cứu cách chế tạo các Nhẫn Quyền Năng. Và sau đó, Celebrimbor đã tạo ra Bộ Bảy Nhẫn cho bảy Chúa Người Lùn, Bộ Chín Nhẫn cho chín Vua Loài Người. Nhưng rồi, ông dần nhận ra dã tâm của Sauron, ông bí mật tạo ra Bộ Ba Nhẫn cho ba chúa Tiên và giấu chúng đi. Sauron muốn thâu tóm cả Bộ Ba nhưng không thành, hắn bắt giữ, tra tấn và giết hại Celebrimbor, hủy diệt Tiên quốc Eregion, nhưng cũng không thể có được Bộ Ba. Sau khi hủy diệt Eregion, Sauron quay về Mordor, và rồi hắn tạo ra Nhẫn Chúa – chiếc nhẫn quyền năng nhất với mục đích kiểm soát những chiếc nhẫn khác. 

Mục đích ban đầu của các Nhẫn Quyền Năng là đem lại tri thức, sức mạnh cho người đeo nó để giúp họ lãnh đạo dân tộc của mình. Nhưng bằng Nhẫn Chúa, Sauron đã làm vấy bẩn Bộ Bảy và Bộ Chín. Chín vị vua của loài người đã biến thành tay sai cho Sauron – 9 Nazgul, 9 Ma Nhẫn. Bảy chúa Người Lùn tuy không chịu chung số phận nhưng cũng bị ảnh hưởng, và kết cục cuối cùng của họ cũng đều bi thảm. Chỉ còn Bộ Ba Nhẫn của Tiên tộc là không bị vấy bẩn. Với sức mạnh có được, Sauron xúc tiến kế hoạch xâm lược Trung Địa, nhưng rồi cuối cùng thất bại trước Liên Minh Cuối Cùng của Tiên và Người, như những gì phần đầu của The Fellowship of the Ring đã miêu tả. 

the Ring

Có nhiều người xem phim xong sẽ có một thắc mắc: Tại sao Nhẫn Chúa lại có quyền lực “bình thường” như vậy? Nó chẳng có sức mạnh hủy diệt hay giết chóc gì kinh khủng cả. Ban đầu tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng thực sự bản chất của Nhẫn Chúa không phải là “hủy diệt” mà là “kiểm soát”. Sauron là Chúa Tể Bóng Tối, nhưng hắn chẳng có dã tâm phá hủy thế giới rồi tự mình tạo ra một cái mới, điều hắn muốn là “kiểm soát và thống trị toàn bộ sự sống”. Nhẫn Chúa của hắn sinh ra chính là do tư tưởng này, sức mạnh của chiếc nhẫn không phải là việc có thể làm nổ tung thế giới mà là về sự thống trị. Điều quan trọng trong việc thống trị không phải là việc có thể đánh bại một người mà phải là việc có thể áp đặt ý chí của người đó, điều này khiến cho Sauron trở thành một kẻ cực kỳ nguy hiểm. Sauron không muốn chém giết, cũng không muốn cướp bóc, hắn chỉ muốn KIỂM SOÁT toàn bộ. Không thể sở hữu một thứ gì đó bởi việc phá hủy nó, mà thay vì đó hãy biến nó thành của mình, và kẻ kiểm soát sẽ là kẻ thống trị. Để chiến thắng một kẻ như Sauron, không phải là bằng sức mạnh cơ bắp, mà người đó phải chiến thắng ý chí của chính bản thân mình. Và đó là một điều khó khăn hơn rất nhiều lần so với việc đánh bại hắn bằng vũ lực đơn thuần. Riêng việc xây dựng Sauron và Nhẫn Chúa đã cho thấy sự sâu sắc của Tolkien. Và bạn nào xem phim hẳn sẽ biết: Sauron đặt phần lớn linh hồn và quyền năng của mình vào Nhẫn Chúa của hắn. Điều này có nghĩa là gì? Là muốn loại bỏ hoàn toàn cái ác thì phải hủy diệt nó từ tận sâu trong gốc rễ chứ không phải chỉ tiêu diệt cái vỏ bọc mà nó mượn bên ngoài.

otakunewsportal.com

Chỉ một chi tiết như vậy đã cho thấy được Tolkien đã kỳ công đến như thế nào rồi, bởi vậy mới nói LOTR ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa chứ không đơn thuần chỉ là một bộ fantasy phiêu lưu diệt kẻ ác. Và tiếp đến, ta hãy nói tới những nhân vật chính trong Đoàn Hộ Nhẫn. 9 nhân vật, 9 hoàn cảnh, 9 cuộc đời khác nhau của 5 chủng tộc. Họ đã tự nguyện hợp lại với nhau để thực hiện cuộc hành trình gần như bất khả thi: Thâm nhập vào Mordor, tiêu diệt Nhẫn Chúa. Có vài người trong số họ đã có quen biết, vài người hoàn toàn xa lạ, thậm chí còn có mối bất hòa giữa hai chủng tộc. Nhưng điểm chung của họ là đều được định mệnh dẫn lối và tự nguyện tham gia. 

3. Đoàn Hộ Nhẫn

Đầu tiên là bộ 4 anh chàng Hobbit đến từ Xứ Shire: Frodo Baggins, Samwise Gamgee, Meriadock “Merry” Brandybuck và Peregrin “Pippin” Took. Họ đều là những người bạn thân và quen biết với nhau nhiều năm trời.

Frodo, cháu của Bilbo Baggins (nhân vật chính của The Hobbit), anh được thừa kế từ bác của mình toàn bộ tài sản, trong đó có cả chiếc Nhẫn Chúa – trong cái may có cái rủi. Frodo được Gandalf cho biết sự nguy hiểm của chiếc nhẫn và anh phải tới Rivendell để đảm bảo an toàn. Samwise – người phụ tá trung thành của Frodo, luôn luôn chăm lo và bảo vệ anh. Cặp đôi Merry và Pippin thì chuẩn kiểu láo nháo bắng nhắng và đem lại tiếng cười cho mọi người. Nhưng điểm chung của cả 4 người đều là những anh chàng Hobbit bình thường mong muốn một cuộc sống yên bình, nhưng số mệnh đã bắt họ phải bước vào một cuộc phiêu lưu có thể nói là quan trọng nhất với số mệnh của toàn Trung Địa.

The Hobbit

Tiếp đến, ta có nhân vật được yêu thích bậc nhất: Gandalf Áo Xám. Một pháp sư già hài hước nhưng cũng rất bí ẩn và mạnh mẽ. Ông có sứ mạng là Vệ Thần của Trung Địa và nhiệm vụ của ông là chiến đấu chống lại Sauron. Bạn nghĩ hẳn là Gandalf có nhiều quyền phép lắm? Theo kiểu thầy Dumbledore trong Harry Potter? (thú thực là lúc trước tôi cũng tưởng 2 người này là một luôn). Nhưng pháp sư trong thế giới của Tolkien mới mang đúng nghĩa “pháp sư” – những người có kiến thức thâm sâu và rộng lớn, họ sử dụng trí óc chứ không phải múa máy cây trượng rồi đọc thần chú khiến kẻ địch hóa ra cóc hay nổ tung! Không, pháp sư của Tolkien là như vậy, qua đó, Tolkienmuốn gửi gắm thông điệp của mình: trí thông minh mới là vũ khí mạnh nhất! 

Kế đến là cặp đôi cũng rất thú vị: Legolas tộc Tiên và Gimli tộc Người Lùn. Họ thuộc về hai chủng tộc có mối bất hòa sâu sắc (nguyên do là gì thì phải kể đến lịch sử từ thời xa xưa nên tôi không nói đến). Và quả thật ban đầu thì như nước với lửa vậy, nhưng rồi dần dần hai người họ đã trở thành đôi bạn tri kỷ, sống chết có nhau. Quả thật, có ai xem phim mà không yêu mến họ cho được, nhất là những lúc hai người thi xem ai hạ được nhiều kẻ địch hơn cơ chứ? Một tình bạn vượt lên trên mối bất hòa, thật đáng quý biết bao! Ngay cả vũ khí họ sử dụng cũng vừa đối lập mà vừa hỗ trợ cho nhau rất hoàn hảo: Legolas dùng cung tên còn Gimli dùng rìu, một cặp đôi tuyệt vời trong LOTR. Còn nhớ ngay trước trận chiến cuối cùng tại Cổng Đen, cuộc đối thoại ngắn giữ hai người họ là minh chứng rõ nhất cho tình bạn đáng quý của hai người.

“Không thể tin là có ngày ta lại đứng vai kề vai với một tên Tiên cơ đấy!”

“Thế còn vai kề vai với một người bạn thì sao?”

“Cái đó thì được”

tộc Tiên

Và đây, chúng ta có Sean Bean trong vai Boromir (ừ cũng là Eddard “Ned” Stark của Game of Thrones luôn – thật tình, chọn vai quá chuẩn). Boromir là con cả của Quan Nhiếp Chính Gondor và đến Rivendell để hỏi về số phận của mình cũng như Minas Tirith – thành trì cuối cùng ngăn cách giữa Mordor và Trung Địa. Và anh cũng tự nguyện đi theo Frodo khi cậu thực hiện nhiệm vụ. Boromir là một người phàm, anh chỉ có một mong muốn là đánh bại Sauron và bảo vệ Gondor, anh cũng cho rằng Gondor không cần có vua vì đã có dòng dõi anh bảo vệ nó. Thực ra ban đầu Boromir muốn Gondor sử dụng Nhẫn Chúa để chống lại Sauron, nhưng rồi Gandalf đã thuyết phục anh từ bỏ ý định đó. Tuy nhiên suốt cuộc hành trình, anh bị ám ảnh bởi chiếc nhẫn và rồi cuối phần 1, anh bị mất kiểm soát và cố chiếm lấy nó từ Frodo và khiến Đoàn Hộ Nhẫn tan rã, mặc dù vậy, ngay sau đó anh đã tỉnh ra và nhận ra sai lầm của mình. Cuối cùng Boromir đã hy sinh khi bảo vệ Merry và Pippin khỏi đoàn quân Uruk truy đuổi khi vẫn thổi chiếc tù và của Gondor không dứt. Cái chết có lẽ là sự giải thoát hợp lý nhất cho Boromir vì với tính cách của mình, anh sẽ không tha thứ cho những hành động của bản thân. 

Cuối cùng, thành viên có sứ mạng quan trọng bậc nhất: Aragorn, hậu duệ xa xưa của các vị vua Gondor. Thực ra Aragorn là dòng dõi của các vị vua Arnor – vương quốc anh em với Gondor đã tuyệt diệt. Nhưng các thế hệ đi trước của Aragorn đã không quay lại tiếp nhận ngai vàng Gondor khi vị vua cuối của Gondor tử trận. Họ trở thành các Rangers với nhiệm vụ canh giữ miền phía Bắc Trung Địa và giữ cho dân chúng an toàn. Nhưng sứ mệnh của Aragorn là trở thành vua của Gondor và dẫn dắt Con Người chiến đấu chống lại Sauron. 

Tuy nhiên, xuyên suốt cuộc hành trình, chúng ta có thể cảm thấy những mối băn khoăn của Aragorn khi anh không biết liệu người Gondor có chấp nhận mình hay không vì theo như người dân nói thì anh chỉ là một Kẻ Lang Thang kỳ quặc. Nhưng dần dà, những hành động của anh, những trận chiến khốc liệt anh trải qua để tìm đến mong muốn thực sự của mình đã cho ta thấy: anh xứng đáng là một vị vua, một vị vua đích thực. Đúng như Tolkien đã nói về Aragorn: “Not all those who wander are lost” – “Chẳng ai lang thang cũng là lạc đường”. 

Aragorn

“Đích thực là vàng thời không lấp lánh,

Lang thang cô lánh chẳng cứ lạc đường;

Cội khỏe thân cường dẫu già không mạt,

Rễ sâu bám chặt phạm nào tuyết sương.

Từ đống tro tàn sẽ khêu lại lửa,

Giữa đêm phong tỏa ánh sáng bật ra;

Lưỡi thép gãy lìa lại rèn sắc bén,

Kẻ không vương miện tái hồi ngai vua.”

Như vậy là trong phần đầu tiên này, tôi đã điểm đến những gì cơ bản nhất của trilogy The Lord of the Rings: các nhân vật chính; nguồn gốc, sức mạnh và ý nghĩa của chiếc Nhẫn Chúa. Trong phần thứ 2, tôi sẽ phân tích các nhân vật phụ có vai trò quan trọng và giải thích một số chi tiết trên phim có thể nhiều người không hiểu.

Nguồn:phephim

Back to top button